Bất động sản 24h

Đột biến tăng trưởng tín dụng: Mừng hay lo?

19/12/2014

Tín dụng cuối năm tăng mạnh, nguyên nhân có thể xuất phát từ quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng nhằm "ghi điểm" theo tinh thần của Thống đốc NHNN đã từng phát biểu về tỷ giá rằng “tôi nói là làm”.

Tín dụng cuối năm tăng mạnh, nguyên nhân có thể xuất phát từ quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng nhằm "ghi điểm" theo tinh thần của Thống đốc NHNN đã từng phát biểu về tỷ giá rằng “tôi nói là làm”.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã cho biết con số tăng trưởng tín dụng đưa ra đã có sự đột biến. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đến 27/11 đã tăng 10,22% so với cuối năm 2013. Trước đó, tính đến ngày 24/10, tăng trưởng tín dụng mới chỉ ở mức 7,85%. Như vậy, một lần nữa diễn biến tăng trưởng tín dụng dồn vào cuối năm lặp lại. Và với tốc độ có trong tháng 11, nhiều khả năng NHNN sẽ thực hiện đúng như định hướng đưa ra đầu năm, cả năm tăng trưởng từ khoảng 12-14%.

Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng mạnh có thể xuất phát từ quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng của NHNN nhằm ghi điểm với quốc dân theo tinh thần của Thống đốc NHNN đã từng phát biểu về tỷ giá rằng “tôi nói là làm”. Với quyết tâm này, NHNN đã không ngừng tăng cung tiền, thể hiện ở tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán đã đạt đến 13,28% vào cuối tháng 11 năm nay so với cuối năm 2013, trên nền của lạm phát đứng ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (chủ yếu nhờ yếu tố khách quan, đến từ bên ngoài, như giá dầu thô và giá cả hàng hóa trên thế giới sụt giảm).

Tổng phương tiện thanh toán tăng lên liên tục ở mức khá cao đã cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, chính xác hơn là dẫn đến tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống, thể hiện qua việc NHNN phải liên tục tung tín phiếu NHNN ra để hút bớt thanh khoản từ hệ thống. Thanh khoản dư thừa đương nhiên tạo điều kiện và/hoặc ép buộc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, tìm mọi cách để tăng cho vay theo định hướng tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng của NHNN hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm.

Nếu như cho vay doanh nghiệp vẫn còn chật vật thì các ngân hàng thương mại và công ty tài chính gần đây đã đẩy mạnh cho vay cá nhân, tiêu dùng, với các gói cho vay khuyến mại với lãi suất ưu đãi để tiêu dùng, mua/sửa nhà, ô tô... Mặt khác, NHNN và các cơ quan liên đới của chính phủ cũng đã tiến hành nhiều động thái nới lỏng về mặt chính sách, thủ tục và điều kiện để thúc đẩy tín dụng ở mảng này, chẳng hạn như trong các gói cho vay mua nhà 30.000 tỷ, gói cho vay đóng tàu sắt theo Nghị định 67 v.v...

Đánh giá một cách khách quan, việc “thúc” tăng trưởng tín dụng như thế này không hẳn là điều tích cực, đúng như câu: “giục tốc bất đạt”. Ở một khía cạnh nào đó thì có thể nói tăng trưởng GDP có liên quan đến tăng trưởng tín dụng. Nhưng lưu ý rằng quan hệ này không nhất thiết là quan hệ tỷ lệ thuận, tuyến tính, theo kiểu để tăng GDP thêm x điểm phần trăm thì phải tăng tín dụng thêm y điểm phần trăm.

Trở lại với thực tế ở Việt Nam trong năm nay, nếu như nửa đầu năm nền kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức trên 5,5% với tín dụng tăng trưởng ở mức “lẹt đẹt” thì trong nửa cuối năm, tốc độ tăng trưởng GDP có nhích lên chút ít nhưng với tín dụng đã tăng mạnh hơn nhiều. Hay tình hình cũng tương tự như vậy hồi năm 2013, với tốc độ tăng trưởng GDP quanh quẩn ở mức trên trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với mức hiện tại của năm nay. Điều này chứng tỏ tăng trưởng GDP có những ngưỡng giới hạn và tín dụng chỉ là một trong nhiều động lực cho tăng trưởng. Nói cách khác, với những điều kiện khác không thay đổi, khi tăng trưởng GDP đạt đến ngưỡng giới hạn, việc đổ thêm tiền (tín dụng) vào nền kinh tế chỉ làm nền kinh tế nóng thêm lên với nguy cơ bùng nổ lạm phát.

Ở ngưỡng giới hạn của tăng trưởng GDP, nguồn tín dụng mới đổ vào nền kinh tế có xu hướng không đổ vào nền kinh tế thực (khu vực sản xuất) mà chảy đến những thị trường tài chính và tài sản như bất động sản, đồng thời làm tăng nhu cầu tiêu dùng các hàng nhập khẩu. Hậu quả của xu hướng này là tình trạng lạm phát ở các thị trường tài sản trên, đi kèm với tình trạng nhập siêu tăng lên, gây sức ép lên VND.

Những dấu hiệu này hiện đã xuất hiện ở Việt Nam, với giá bất động sản đang có chiều hướng hồi phục và tăng lên, còn nhập siêu đã quay trở lại trong vài tháng qua từ trạng thái xuất siêu trước đó, kết hợp với một số yếu tố khác đã buộc NHNN phải can thiệp để ổn định tỷ giá VND.

Như vậy, điều rút ra ở đây là cần phải hiểu được và tìm được điểm giới hạn của tăng trưởng GDP (GDP tiềm năng) trong điều kiện hiện tại để thi hành một chính sách tiền tệ mềm dẻo và thích hợp đặt trong mối tương tác với lạm phát mục tiêu, mà không nhất thiết phải đặt ra một con số “cứng” như mục tiêu tăng trưởng tín dụng (đặt ra ngay từ cuối năm trước), để rồi bằng mọi cách phải thực hiện cho bằng được để “giữ uy tín” hay “giữ niềm tin” mà đôi khi phải đánh đổi bằng cái giá đắt.

Còn nếu muốn cải thiện hơn nữa tốc độ tăng trưởng GDP thì điều cần làm không phải là chăm chăm vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng phải là bao nhiêu phần trăm, mà là cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế để tạo đà tăng trưởng cao và bền vững trong dài hạn, là điều đã được nói đến quá nhiều (và chưa làm được bao nhiêu).

 

Batdongsan24h.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC