29/07/2016
Khi mua đất người dân phải đến phòng công chứng, hoặc UBND cấp thẩm quyền để chứng thực, nhằm bảo đảm quyền lợi của mình. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục sang nhượng đất tại Văn phòng một cửa TP. Vũng Tàu. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Năm 2002, ông Trần Văn Đ. mua một thửa đất có diện tích khoảng 3.000m2 với giá 17 triệu đồng của bà Trương Thị V. Thửa đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) chung với các thửa đất khác của bà V. vào năm 1998. Sau khi hai người lập giấy mua bán đất viết tay với nhau, ông Đ. trả đủ tiền cho bà V. và nhận đất để trồng cây và làm nhà ở sinh sống ổn định. Ông Đ. còn được cấp sổ hộ khẩu từ thời điểm mua đất. Trong quá trình sử dụng đất, giữa ông Đ. và bà V. không có tranh chấp. Đến khi ông Đ. yêu cầu bà V. làm thủ tục sang tên “sổ đỏ” thửa đất này thì bà V. không thực hiện, muốn lấy lại đất và trả lại tiền cho ông Đ. Trước sự bất tín của chủ đất cũ, hai bên đã khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Tân Thành. Hiện tại, vụ việc đang được Tòa án nhân dân huyện Tân Thành thụ lý và sẽ đưa ra xét xử trong thời gian tới. Tuy nhiên, với ông Đ. đây quả là một bài học đắt giá. “Tôi không ngờ sau 12 năm sinh sống ổn định trên mảnh đất này, bây giờ chủ đất cũ lại có thể trở mặt như vậy”- ông Đ. nói.
Theo Luật sư Dương Thanh Thuận, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Dương Chính (TP.Bà Rịa), trên thực tế có nhiều trường hợp mua bán đất bằng giấy viết tay, dẫn đến tranh chấp, trong đó trường hợp bị đòi lại đất như ông Đ. là khá phổ biến.
Căn cứ Điều 127 Luật Đất đai 2003: “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất”, thì trường hợp chuyển nhượng đất giữa ông Đ. và bà V. chưa tuân thủ về hình thức của hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao: “Đối với hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ mà không có công chứng, hoặc chứng thực của UNND cấp có thẩm quyền, nếu sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã trồng cây lâu năm, đã làm nhà kiên cố..., bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo các quy định của Nhà nước”, thì hợp đồng này cũng được Tòa án công nhận.
Mặc khác, căn cứ vào Điều 412 Bộ luật Dân sự quy định nguyên tắc thực hiện hợp đồng dân sự là phải trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau. Do vậy, tuy các bên mua bán đất bằng giấy tay nhưng cũng được xem là hợp đồng dân sự. Bên bán đất không thể chỉ dựa vào lý do hợp đồng không có công chứng, chứng thực mà bất chấp quyền lợi của người mua đất.
Theo phân tích của giới luật sư, nguyên nhân dẫn đến vụ tranh chấp đất giữa ông Đ. và bà V. là do cách hiểu pháp luật chưa đúng từ phía người bán đất là bà V. Mặc dù căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, ông Đ. có thể được công nhận QSDĐ, nhưng cũng không loại trừ trường hợp hợp đồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu vì lý do không có công chứng, chứng thực. Khi đó, sẽ căn cứ lỗi của các bên để buộc bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại cho bên kia theo quy định pháp luật.
The nguồn Baria- Vungtau
Từ ngày 1-7- 2014, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ được quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 như sau: Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ phải được công chứng hoặc chứng thực. Riêng đối với hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đất giao kết với tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì không bắt buộc phải công chứng, hoặc chứng thực. |
Batdongsan24h.com.vn
KHU VỰC HÀ NỘI
KHU VỰC TP.HCM