Bất động sản 24h

Ngân hàng bớt “ăn chênh” lãi suất

24/12/2015

Theo tính toán, khi lãi suất tiền gửi USDgiảm về 0%, dòng tiền nhàn rỗi từ tổ chức, dân cư sẽ chuyển bớt sang gửi bằng tiền VND. Do chênh lệch lãi suất huy động vốn giữa hai đồng tiền (0,25%/năm với tiền USD, 4%/năm với tiền đồng) nên các ngân hàng sẽ phải cân nhắc tăng lãi suất cho vay để bù đắp chi phí bị “đội” lên.

Cùng lúc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD thêm 0,25% thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng hạ lãi suất tiền gửi USD về 0%. Vài ngày gần đây, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động tiền VND để “đón” dòng tiền chuyển đổi từ USD sang cùng với lượng tiền nhàn rỗi tăng đột biến dịp cuối năm.

Gửi tiền đồng “lời” hơn

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa tăng thêm 0,1% lên mức 4,5-4,6%/năm ở kỳ hạn 1 và 2 tháng, lãi suất 5,5%/năm ở kỳ hạn 6 tháng. Hiện, Eximbank còn thưởng thêm từ 0,1-0,3% lãi suất (tuỳ từng kỳ hạn, số tiền gửi, đối tượng…) cho khách hàng bán USD và vàng, chuyển sang gửi bằng VND.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa tăng lãi suất gửi tiền VND thêm 0,3% ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Hiện, tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất là 5,1%/năm, 3 tháng là 5,3%/năm, lãi suất cao nhất lên tới 7,3%/năm. Đặc biệt, VPBank sẽ tặng thêm 0,2% lãi suất khi gửi tiết kiệm trực tuyến qua VPbank onlines và VPBank mobile từ nay đến cuối tháng 2/2016.

Trước đó, một số ngân hàng lớn đã “nhìn nhau” tăng lãi suất nhằm giành giật người gửi tiền, đơn cử: Vietinbank tăng thêm từ 0,2-0,5% lãi gửi ở các kỳ hạn, mức lãi thấp nhất hiện là 4,8%/năm (kỳ hạn 1-2 tháng), cao nhất là 7%/năm (kỳ hạn từ 36 tháng trở lên)…

Còn Ngân hàng Vietcombank đã tăng lãi suất 0,25%, áp dụng mức lãi tiền gửi 4,5-4,75%/năm (kỳ hạn 1-6 tháng), 5%/năm (kỳ hạn 6 tháng), 6%/năm (kỳ hạn 12 tháng). Sacombank điều chỉnh tăng lãi 0,3% với kỳ hạn gửi từ 1-2 tháng, tăng 0,1% đối với kỳ hạn 3-5 tháng, giữ nguyên lãi kỳ hạn dài…

Khi đồng USD mạnh lên và lợi tức gửi USD trong nước bằng 0, nhiều người dân gửi tiền đang băn khoăn đứng giữa hai lựa chọn: Một là tiếp tục nắm giữ USD chấp nhận 0% lợi nhuận, nhưng có thể hưởng lợi khi tỷ giá VND/USD tăng 3-5% theo dự báo vào năm 2016.

Hai là, chuyển đổi từ USD sang gửi bằng VND để “ăn” mức lãi suất từ 4-7%/năm (tuỳ kỳ hạn gửi tiền), chưa kể, khách hàng VIP gửi tiền sẽ được ưu đãi tặng thêm lãi suất, tiền mặt, ưu đãi vay vốn, cấp bảo lãnh…

So sánh sẽ thấy ngay mức lãi suất gửi VND hiện đang hấp dẫn hơn hẳn gửi bằng USD cùng các ưu đãi hỗ trợ của ngân hàng. Song tâm lý găm giữ ngoại tệ vẫn chưa thể xoá bỏ, cùng với lo ngại tỷ giá ngoại tệ “nhấp nhổm” tăng, tiền VND có thể mất giá thêm trước diễn biến khó lường của thị trường tài chính thế giới vào năm sau.

Động thái tăng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng dịp cuối năm để cạnh tranh thu hút lượng tiền gửi nhàn rỗi từ dân cư, tổ chức, lượng kiều hối, ứng phó với tình trạng căng thẳng thanh khoản.

Ngân hàng đã chuyển từ chiến thuật “ăn dày” lãi suất sang “tích tiểu thành đại” nhờ tích luỹ lợi nhuận trên quy mô dư nợ tăng dần.

Chênh lệch lãi suất có hợp lý?

Thời điểm này, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang có dấu hiệu căng thẳng khi vay mượn liên ngân hàng tăng, lãi suất dâng cao hơn. Đơn cử, lãi suất qua đêm tăng khoảng 1,4%, lên mức 4,63%/năm. Do lượng giao dịch lớn nên lãi suất kỳ hạn 1 tuần tăng lên mức 4,77%/năm, tương đương mức huy động vốn kỳ hạn 1-2 tháng từ thị trường 1 (dân cư, tổ chức kinh tế).

Khi chi phí huy động vốn tăng cao, ngân hàng buộc phải đẩy tăng lãi suất cho vay tương ứng. Khảo sát tại một số ngân hàng cho thấy, lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp dao động ở mức 6-11%/năm bằng tiền VND.

Trừ một số chính sách ưu đãi cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng với doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, lãi vay khoảng 5%/năm. Hay chính sách hỗ trợ lãi suất cho nhóm 5 lĩnh vực ưu tiên vay vốn…

Nhẩm tính, mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay hiện từ 1,5- 4,2%/năm. Với tín dụng tiêu dùng, lãi vay thường cao hơn phổ biến khoảng 7-13%/năm, nên biên độ lãi của ngân hàng cũng cao hơn lãi vay phục vụ sản xuất, kinh doanh

Tuy vậy, thời gian qua, không ít ngân hàng đã chấp nhận cắt bớt lợi nhuận để đẩy mạnh dư nợ cho vay với chính sách lãi vay “siêu rẻ”. Chẳng hạn, Ngân hàng PVcombank áp dụng chính sách lãi suất chỉ từ 5,99%/năm đối với người mua nhà tại hàng loạt dự án do ngân hàng hỗ trợ vốn. Đơn cử, 5 dự án chung cư cao cấp của chủ đầu tư Capitaland (The Vista, Vista Verde, The Krista, PARCSpring và Mulberry Lane), dự án Landmark 51 Hà Đông…

Còn Ngân hàng MaritimeBank lại tung chiêu cho vay mua nhà lãi suất chỉ 0% trong 6 tháng đầu, áp dụng với 3 dự án lớn do nhà băng này tài trợ vốn (Goldmark City, The Goldview, Goldsilk complex).

Trong cuộc đua tín dụng cuối năm, các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn để giảm lãi suất cho vay, trong khi vẫn phải tăng lãi suất theo thị trường. Nhưng nếu dư nợ tín dụng tăng trưởng trên 10%, có nơi tăng tới 20-30% thì dù biên lãi giảm đi, tổng lợi nhuận ngân hàng thực tế vẫn tăng.

Batdongsan24h.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC