Bất động sản 24h

Phiên giao dịch sáng 9/12: Cơ hội bắt đáy

09/12/2014

(ĐTCK) Lực bán tháo bắt nguồn từ nhóm cổ phiếu dầu khí đã lan dần ra khắp bảng điện tử. Tuy nhiên, khi 2 chỉ số chạm các ngưỡng 560 và 85 điểm đã khích hoạt lực cầu bắt đáy, giúp thị trường hãm đà rơi.

(ĐTCK) Lực bán tháo bắt nguồn từ nhóm cổ phiếu dầu khí đã lan dần ra khắp bảng điện tử. Tuy nhiên, khi 2 chỉ số chạm các ngưỡng 560 và 85 điểm đã khích hoạt lực cầu bắt đáy, giúp thị trường hãm đà rơi.

Trong phiên giao dịch đêm qua (8/12) theo giờ Việt Nam, giá dầu thô lao dốc mạnh hơn 4,3%, xuống mức thấp nhất 5 năm. Việc giá dầu giảm mạnh đã khiến nhóm cổ phiếu năng lượng tuột dốc theo, kéo chứng khoán Âu, Mỹ giảm điểm.

Không nằm ngoài xu hướng, nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang chịu sức ép lớn. Trong phiên đầu tuần, chính nhóm cổ phiếu này đã khiến cả 2 chỉ số mất hơn 1%. Bước vào phiên giao dịch sáng nay, nhóm dầu khí cả lớn và bé đều bị bán tháo ngay từ đầu phiên, khiến VN-Index nhanh chóng xuyên thủng mốc 570 điểm, thậm chí mốc 560 điểm cũng khó giữ, trong khi đó, HNX-Index cũng xuống dưới mốc 86 điểm.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 4,13 điểm (-0,72%), xuống 567,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 2,69 triệu đơn vị, giá trị 52,92 tỷ đồng.

Đà giảm của chỉ số này nhanh chóng được nới rộng khi bước vào đợt khớp lệnh với lực bán tăng mạnh ở nhóm dầu khí, nhất là ở GAS, PVD khi cả 2 mã này đều bị kéo xuống mức giá sàn.

Trong tháng 11, thị trường cũng chịu tác động bởi 2 mã dầu khí đầu tàu này. Lý do chính là một số quỹ đầu tư nước ngoài đóng quỹ nên thoái vốn. Theo nhận định của ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới MBS, thị trường hồi phục ngay sau khi các quỹ này kết thúc việc thoái vốn vào 4/12. Khi cổ phiếu GAS, PVD hồi phục thì thị trường sẽ hồi phục theo.

Nhận định này đã chính xác khi GAS và PVD đã hồi phục, thậm chí cả trước ngày 4/12, bất chấp lực cung từ khối ngoại vẫn còn, qua đó giúp thị trường hồi phục sớm hơn nhận định và có tuần hồi phục tích cực đầu tháng 12.

Tuy nhiên, đà hồi phục của GAS và PVD không duy trì được lâu, bởi giá dầu thế giới liên tục sụt giảm, khiến nhóm cổ phiếu năng lượng bị bán tháo, trong đó, dĩ nhiên nhóm dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Trong phiên hôm qua, dù lực bán của khối ngoại ở PVD vẫn còn, nhưng ở GAS, chủ yếu là lực cung nội. Ngoài GAS, PVD, các mã dầu khí nhỏ khác PXT, PXS, PXL, PTL, PGD, PGC cũng chịu sức ép lớn. Trong nhóm dầu khí, chỉ còn DPM là giữ được sự tích cực. Trong phiên hôm qua, mã này đi ngược lại xu hướng, là một trong những “má phanh” hãm đà rơi của VN-Index. Trong phiên sáng nay, dù đà tăng không còn được duy trì vững chắc, nhưng DPM cũng duy trì được mức tham chiếu.

Trên HNX, PVS, PVC, PVB, PVE, PVG… cũng chịu chung cảnh ngộ khi lực bán ồ ạt được tung vào ngay đầu phiên khiến PVS, PVB giảm sàn, PVC cũng xuống sát mức giá sàn. Sau đó, nhờ lực cầu bắt đáy, PVS đã thoát mức giá sàn, PVC cũng tạm giữ khoảng cách an toàn với mức giá sàn.

Lực bán tháo nhóm cổ phiếu dầu khí gây tâm lý hoang mang cho bên nắm giữ cổ phiếu, khiến lực bán tháo cũng lan rộng. Tuy nhiên, khi VN-Index lùi về mốc 560 điểm và HNX-Index thủng mốc 85 điểm, lực cầu bắt đáy đã gia tăng, giúp 2 chỉ số này dần hồi phục và thu hẹp bớt số điểm đã mất.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index giảm 8,12 điểm (-1,42%), xuống 563,56 điểm với 179 mã giảm, trong khi chỉ có 34 mã tăng. VN30-Index giảm nhẹ hơn khi không có sự góp mặt của GAS, với mức giảm 6,02 điểm (-0,97%), xuống 613,85 điểm.

Nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng, nên thanh khoản sáng nay được cải thiện đáng kể so với phiên đầu tuần. Tổng khối lượng khớp trên HOSE đạt 81,43 triệu đơn vị, tăng gần 30% so với phiên sáng qua. Tổng giá trị giao dịch đạt 1.506,68 tỷ đồng, tăng hơn 35% so với phiên sáng qua. Đặc biệt, tổng khối lượng giao dịch phiên sáng nay chủ yếu là khớp lệnh, phiên thỏa thuận chỉ đóng góp hơn nửa triệu đơn vị, giá trị hơn 22,6 tỷ đồng, trong khi phiên sáng qua là 2,3 triệu đơn vị, giá trị 65,25 tỷ đồng.

Trên HNX, ngược với sàn HOSE, HNX-Index lại giảm nhẹ hơn HNX30-Index. Cụ thể, HNX-Index giảm 1,82 điểm (-2,09%), xuống 85,35 điểm cũng với chỉ 35 mã tăng trong khi có tới 147 mã giảm, trong khi HNX30-Index mất tới 4,14 điểm (-2,38%), xuống 170,18 điểm.

Tuy nhiên, thanh khoản trên HNX sáng nay lại chỉ tương đương phiên trước khi có tổng khối lượng đạt 49,18 triệu đơn vị, giá trị 671,05 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 7% về lượng, nhưng giảm hơn 6,4% về giá trị. Giao dịch sáng nay trên HNX cũng gần như là đến từ khớp lệnh, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Lực cầu bắt đáy giúp PVD và GAS thoát khỏi mức giá sàn. Đóng cửa, GAS giảm 5.000 đồng (-6,17%), xuống 76.000 đồng với gần 0,95 triệu đơn vị được khớp; PVD giảm 4.000 đồng (-5,76%), xuống 65.500 đồng với hơn 1,74 triệu đơn vị được khớp. Nhóm cổ phiếu nhỏ hơn dù giảm mạnh, nhưng cũng không có mã nào đóng cửa ở mức giá sàn.

Nhóm cổ phiếu nằm trong cơ cấu danh mục kỳ này của FTSE ETF vẫn chưa có nhiều biến động. Mã được thêm vào danh mục là SSI đang bị nhà đầu tư trong nước chốt lời và tiếp tục giảm 300 đồng (-1%), xuống 29.800 đồng sau khi đã được đẩy lên khá tốt sau thông tin dự đoán được vào danh mục từ trước đó. Trong khi đó, 3 mã bị loại ra là STB, VSH và DRC cũng đang giữ giá tốt, trong đó, VSH giữ được mức tham chiếu, STB giảm nhẹ 100 đồng, còn DRC giảm 1.500 đồng (-2,80%).

Nhóm ngân hàng cũng bị chốt bán khá mạnh và chủ yếu chìm trong sắc đó, ngoại trừ VCB vẫn đi ngược lại xu hướng chung. Đặc biệt, EIB tiếp tục chịu áp lực chốt lời mạnh sau tuần tăng tốt trước đó, đặc biệt là trong 2 phiên thứ Tư, thứ Năm tuần trước. Sáng nay, có thời điểm EIB bị kéo xuống mức sàn 11.800 đồng, trước khi hồi trở lại, chốt phiên ở mức 12.100 đồng, giảm 500 đồng (-3,97%).  

Nhóm vận tải, vốn sẽ có lợi khi giá dầu giảm cũng không thể tăng giá trong phiên hôm nay. Thậm chí, đại đa số cổ phiếu vận tải biển đang giảm giá. Nhóm này ít nhiều bị ảnh hưởng bởi thông tin về nạn cướp biển khi chỉ trong vài tháng, đã có 2 tàu của Việt Nam bị cướp biển tấn công.

Trong khi đó, trên HNX, những kỳ vọng về đợt sóng lớn tại KLF nhanh chóng bị dập tắt khi diễn biến chung của thị trường không thuận lợi để có thể tạo sóng ở một vài mã đơn lẻ.  Đóng cửa phiên sáng nay, KLF giảm 100 đồng với lượng khớp 6,48 triệu đơn vị, đứng sau PVX với gần 8 triệu đơn vị. PVX cũng giảm 200 đồng (-3,33%), xuống 5.800 đồng.

Nhóm dầu khí trên HNX với sự dẫn đầu của PVS và PVC cũng chịu áp lực bán tháo lớn. Có lúc cả PVS, PVC cùng xuống mức sàn, tuy nhiên, nhờ lực cầu bắt đáy cuối phiên, PVS đóng cửa chỉ còn giảm 2.400 đồng (-7,84%), xuống 28.200 đồng, trong khi PVC cũng còn giảm 2.400 đồng (-8,51%), xuống 25.800 đồng. PVS được khớp hơn 4,4 triệu đơn vị, còn PVC được khớp gần 3 triệu đơn vị. Trong khi đó, PVB không thể thoát khỏi mức giá sàn và PVE cũng đứng ở sát mức giá sàn.

Batdongsan24h.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC