Bất động sản 24h

“Thực đơn” đầu hè cho nhà đầu tư

06/05/2016

Như một quy luật bất biến, mỗi dự án trước khi mở bán chính thức đều trải qua thời gian làm thị trường mạnh mẽ. Đến nay, các ông chủ đứng sau những dự án thực sự “đắc địa” tỏ ra cẩn trọng bội phần trong cách triển khai, khai thác kinh doanh sản phẩm.

Tháng Một vừa qua, dự án 109 Nguyễn Tuân (tên gọi khác là The Legend Tower, quận Thanh Xuân) ghi nhận hoạt động triển khai thi công hạng mục hầm, móng. Thông tin ban đầu cho biết đây là tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở với các thông số nổi bật như: tổng diện tích gần 6.000m2; hai tòa tháp (mỗi tòa cao 30 tầng); một tòa căn hộ, một tòa văn phòng.

Lặng lẽ thi công, không vội bán hàng

Tòa căn hộ gồm 3 tầng hầm, 5 tầng trung tâm thương mại, 25 tầng để ở. Tổng số căn hộ gần 500 căn. Chủ đầu tư là công ty CP Đại Việt Trí Tuệ (khá mới trong làng địa ốc), được biết tới chủ yếu về hoạt động kinh doanh thương mại, thiết bị ngành nước(!), kinh doanh nhà hàng.

Tìm hiểu sâu hơn về sức mạnh nội tại của chủ đầu tư, thông qua DN tự giới thiệu lẫn một số môi giới bán hàng dự án, thì Đại Việt Trí Tuệ “nổi danh” là một nhà phân phối các mặt hàng thiết bị ngành nước nhập khẩu cao cấp như máy bơm dân dụng, van vòi, đồng hồ nước, bình tắm nóng lạnh… Đồng thời, mảng kinh doanh nhà hàng của đơn vị này cũng đáng chú ý với thương hiệu Legendbeer do Đại Việt Trí Tuệ là thành viên sáng lập hệ thống nhà hàng nấu bia tươi Đức.

Dẫu vậy, thực lực tài chính chủ động của DN này vẫn khá bí ẩn. Đánh giá chủ quan của nhà đầu tư Nguyễn Minh (Hà Nội) cho rằng nếu căn cứ vào các mặt bằng bán lẻ thuê kinh doanh bia cũng như ước tính lợi nhuận từ việc nhập khẩu – phân phối các thiết bị ngành nước thì Đại Việt Trí Tuệ khó lòng sở hữu lực tài chính dài hơi để phục vụ “siêu dự án” ở quận Thanh Xuân.

Đáng chú ý, trên website của công ty có nêu nội dung “Chuyển nhượng, cho thuê kho và nhà xưởng tại Khu công nghiệp Bình Xuyên – Vĩnh Phúc, diện tích 4,5 ha. Khu đất nằm ngay trên trục đường chính Khu công nghiệp Bình Xuyên, cách quốc lộ 2.300m. Giá cả thỏa thuận”. Theo đó, có khả năng DN này đang “dốc toàn lực” để tập trung cho dự án con cưng tại Q.Thanh Xuân?!

Trao đổi với cá nhân tên N, tự xưng danh thuộc phòng kinh doanh dự án, được biết: dự án vẫn chưa nhận đặt chỗ, đặt cọc giữ suất căn hộ. Lý do: “Bên em không lo về tài chính nên không vội bán hàng. Ngoài ra, dự án đang làm nốt hạng mục hầm – móng rồi mới chính thức mở bán cho đúng pháp luật anh ạ. Giờ mà bán hàng thì bị truyền thông để ý ngay…”

Qua thông tin được cá nhân trên cung cấp, dự án dự kiến bàn giao vào quý I/2018. Nhà thầu thi công phần cọc, tường vây, kết cấu móng hầm của dự án là Phục Hưng Holdings (giá trị hợp đồng 92,7 tỷ đồng, ký từ tháng 10/2015, tiến độ thi công 250 ngày).

Các công ty địa ốc đã tỏ ra tôn trọng pháp luật hơn

Âm thầm thương vụ đầu tư

Khác với trạng thái “im hơi lặng tiếng chờ ngày bùng nổ” ở dự án 109 Nguyễn Tuân, dự án đặt tại khu đất 4.5 Lê Văn Lương ghi nhận nhiều đồn đoán của người trong nghề.

Tham khảo tư liệu báo chí để lại, năm 2015, UBND quận Thanh Xuân ra văn bản thừa nhận việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án 4.5 Lê Văn Lương là thiếu căn cứ pháp lý. Cụ thể, lô đất 4.5-NO nằm trên đường Lê Văn Lương, dự án có diện tích gần 6.000m2. Theo quy hoạch phê duyệt, dự án được xây dựng tổ hợp văn phòng, nhà ở cao 25 tầng.

Năm 2003, UBND Tp. Hà Nội ra Quyết định thu hồi đất, tạm giao, giao chính thức hơn 247.000m2 đất tại phường Nhân Chính và phường Trung Hoà cho tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường và hạ tầng hai bên tuyến đường Láng Hạ (quận Thanh Xuân) (sau gọi là đường Lê Văn Lương).

Nửa năm sau, tổng công ty Xây dựng Miền Trung được giao là chủ đầu tư dự án tại lô đất 4.5- NO. Tới 2009, dự án được xin chuyển chủ đầu tư sang công ty CP Phát triển đầu tư Hà Nội (chủ đầu tư hiện hữu).

Tạm bỏ qua những vấn đề về đền bù GPMB thời gian trước, hiện tại, các nguồn thông tin ban đầu cho thấy, dự án đã được đổi tên thành HDI – Sunrise Lê Văn Lương với chiều cao 35 tầng (“thêm” 10 tầng so với thời điểm tổng công ty Xây dựng Miền Trung còn là chủ đầu tư).

Tuy nhiên, điều giới đầu tư quan tâm chính là “ông chủ” thực sự đứng sau dự án “đất vàng” hiếm hoi còn lại tại quận Thanh Xuân. Qua một số website đăng tin đậm đặc về dự án này như chungcubamien.com hay sunrise-city.com.vn, thì chủ đầu tư được giới thiệu là công ty CP Phát triển đầu tư Hà Nội – Sunrise (HDI). Đơn vị phân phối độc quyền là Hệ thống Siêu thị dự án; Đơn vị điều hành là công ty CP BĐS TNR Holdings Việt Nam.

Trao đổi với một số cá nhân môi giới (giới thiệu thuộc STDA), thì CenGroup có tham gia đầu tư vào dự án, bên cạnh việc sẽ đảm nhận khâu phân phối sản phẩm tương lai. Tuy vậy, cũng giống với cung cách của Đại Việt Trí Tuệ nêu trên, việc bán hàng, quảng bá để hút khách đặt cọc, giữ suất ở dự án này vẫn ở tư thế… chuẩn bị sẵn sàng.

Theo thoibaokinhdoanh

Batdongsan24h.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC