16/06/2016
Lễ ký thỏa thuận hợp tác thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ giữa Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông phối hợp tổ chức ngày 15/6/2016 tại Hà Nội.
Theo thỏa thuận, Cục Cảnh sát giao thông và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thống nhất triển khai việc thu tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm giao thông qua hệ thống Bưu điện trên cả nước từ ngày 15/6/2016. Người vi phạm có nhu cầu nộp tiền xử phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ qua Bưu điện sẽ đăng ký sử dụng dịch vụ trực tiếp với cơ quan Công an hoặc với Bưu điện.
Việc đăng ký với cơ quan Công an sẽ thực hiện thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ Biên bản vi phạm (bản cơ quan Công an lưu) để chuyển tới Bưu điện. Nếu đăng ký với Bưu điện thì người vi phạm giao thông có thể đến bưu cục gần nhất để cung cấp thông tin, biên bản vi phạm hành chính, nộp tiền (bao gồm tiền phạt và phí dịch vụ).
Sau khi tiếp nhận yêu cầu từ người vi phạm, Bưu điện sẽ khẩn trương đối chiếu lại thông tin với cơ quan Công an nhằm đảm bảo tính chính xác về mức phạt tiền, người vi phạm, giấy tờ tạm giữ... Đồng thời thực hiện thu đúng, thu đủ số tiền phạt mà người vi phạm nộp căn cứ trên quyết định xử phạt và thu tiền phí dịch vụ theo bảng cước phí đã được công bố công khai. Chậm nhất vào ngày làm việc liền kề sau ngày thu tiền, Bưu điện sẽ nộp đủ số tiền đã thu từ người vi phạm vào Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng theo chỉ định của cơ quan Công an trên địa bàn.
Trên cơ sở danh sách người vi phạm đã nộp tiền phạt do Bưu điện cung cấp, cơ quan Công an bàn giao giấy tờ tạm giữ cho Bưu điện để chuyển trả cho người vi phạm.
Người vi phạm giao thông tại các trung tâm tỉnh, thành phố sẽ nhận lại tất cả giấy tờ trong vòng tối đa 2 ngày, đối với các huyện xa và tỉnh, thành khác là 3 - 5 ngày.
Ngoài ra, đối với dịch vụ chuyển phát giấy tờ bổ sung cho cơ quan Công an để phục vụ cho việc ra quyết định xử phạt, khi người vi phạm có yêu cầu, Bưu điện sẽ tiếp nhận và chuyển phát về cơ quan Công an có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Cơ quan Công an căn cứ trên giấy tờ bổ sung này để ra quyết định xử phạt; sau đó sẽ gửi kèm giấy tờ bổ sung và giấy tờ tạm giữ để chuyển phát cho người vi phạm nếu đăng ký sử dụng dịch vụ thu tiền xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông qua Bưu điện.
Đối với dịch vụ thu tiền phạt không chuyển phát giấy tờ tạm giữ, người vi phạm được nộp tiền phạt tại các điểm giao dịch có cung cấp dịch vụ của Bưu điện. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm trong việc nộp tiền, ngoài nộp tiền tại Bưu cục, cơ quan Công an và bưu điện trên địa bàn sẽ xem xét và thống nhất việc Bưu điện bố trí bàn thu tại trụ sở cơ quan công an để thu tiền phạt.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại lễ ký kết.
Việc nộp tiền và nhận giấy tờ tạm giữ qua Bưu điện cũng góp phần hạn chế việc đi lại, đặc biệt là di chuyển liên tỉnh của người vi phạm trong việc nộp tiền phạt, nhận giấy tờ tạm giữ, qua đó giảm lưu lượng giao thông trên đường, giảm chi phí xã hội.
Bên cạnh đó, cơ quan Công an, Kho bạc cũng giảm bớt áp lực trong quá trình xử lý các thủ tục vi phạm hành chính cho từng người vi phạm.
Trên thực tế, hiện một số Bưu điện tỉnh, thành phố tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, An Giang... đã phối hợp với Công an địa phương triển khai dịch vụ thu nộp tiền xử phạt vi phạm giao thông và chuyển phát giấy tờ tạm giữ. Việc nộp hộ tiền phạt vi phạm giao thông qua bưu điện đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và sự đồng thuận, ủng hộ cao từ phía người dân cũng như các cơ quan quản lý.
Batdongsan24h.com.vn
KHU VỰC HÀ NỘI
KHU VỰC TP.HCM