Bất động sản 24h

Bán 70% cổ phần Sông Cấm: Vì quá khứ quá nặng nề!

25/12/2014

"Sắp tới đây Hàn Quốc cũng sẽ đầu tư vào đóng tàu ở Việt Nam rất lớn. Khi đó chúng ta sẽ cạnh tranh thế nào?. Ta phải nhìn với tầm nhìn hội nhập và cạnh tranh quốc tế, vươn lên để cạnh tranh chứ không thể co cụm được nữa".

"Sắp tới đây Hàn Quốc cũng sẽ đầu tư vào đóng tàu ở Việt Nam rất lớn. Khi đó chúng ta sẽ cạnh tranh thế nào?. Ta phải nhìn với tầm nhìn hội nhập và cạnh tranh quốc tế, vươn lên để cạnh tranh chứ không thể co cụm được nữa".

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đã phân tích dưới góc độ kinh tế trước việc Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ bán 70% cổ phần của Tổng công ty đóng tàu Sông Cấm cho nhà đầu tư Hà Lan.

PV: -Thưa ông mới đây Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) có cho biết Tập đoàn đóng tàu Damen Hà Lan muốn mua lại 70% cổ phần của Tổng Công ty đóng tàu Sông Cấm. Đề xuất này đưa ra trong bối cảnh Tổng Công ty Sông Cấm là đơn vị duy nhất thuộc SBIC làm ăn có hiệu quả. Đứng ở góc độ kinh tế, ông lý giải như thế nào về đề xuất này? Theo ông, thương vụ này nếu thành công sẽ mang lại lợi ích cho ai?

TS Lê Đăng Doanh: - Có lẽ đây là một nhà đầu tư chiến lược có công nghệ họ muốn tác động để thay đổi doanh nghiệp này. Họ muốn ngồi trong hội đồng quản trị thay đổi cả về quản trị và nhân sự.

Theo Luật doanh nghiệp thì chỉ có sở hữu vốn 100% mới là doanh nghiệp nhà nước, còn dẫu là 49% hay 70% cũng không phải là doanh nghiệp nhà nước nữa cho nên con số này cũng không quá băn khoăn.

Nhìn ở góc độ kinh tế, thu hút được một nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào và sẽ đổi mới quản trị, công nghệ thì tôi cho rằng đây cũng là một hình thức thu hút đầu tư nước ngoài.

Nếu như chúng ta biết cách học tập vươn lên thì đây cũng không phải là không có lợi đối với nước ta.

Cá nhân tôi nghĩ rằng nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ vốn thì mình cũng nên tận dụng. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh mới đây cũng đã nói rằng sẵn sàng thu hút đầu tư và đẩy mạnh cổ phần hóa, sẵn sàng bán với tỷ lệ cao hơn.

PV: -Theo quy định, nhà đầu tư ngoại chỉ được mua 49% cổ phần. Hiện SBIC đang xin cơ chế đặc biệt để được bán 70% cổ phần. Thưa ông, điều này nếu được chấp thuận có tạo thành một tiền lệ xấu hay không và vì sao? Nguyên cớ vì đâu mà SBIC lại sốt sắng bán quyền làm chủ cho nước ngoài đến như vậy?

TS Lê Đăng Doanh: - Về điều này tôi không bình luận thêm và chỉ muốn nhấn mạnh đứng về mặt kinh tế và quản trị doanh nghiệp thì không có điều gì đáng ngại.

Vì đây sẽ không còn là doanh nghiệp nhà nước nên việc hợp tác mở rộng cũng nên hướng tới.

PV: -Phía Bộ chủ quản là Bộ GTVT có cho rằng sẽ đưa ra những điều khoản cam kết chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi của Sông Cấm cũng như việc làm cho người lao động, không cạnh tranh bất lành mạnh với các công ty trong nước... Ông có tin điều này khi nhìn từ những bài học của các doanh nghiệp FDI đã vào Việt Nam trước đây? Ông có lo ngại, cùng với việc bán Sông Cấm, ngành đóng tàu Việt Nam sẽ tự động đứng ra ngoài rìa của việc đóng tàu, chấp nhận làm thuê cho nước ngoài như cách chúng ta đang làm với doanh nghiệp FDI?

TS Lê Đăng Doanh: - Về điều này chắc không cần phải bình luận gì thêm bởi ngành đóng tàu Việt Nam đã tự mình hại mình đủ rồi.

Riêng Sông Cấm là đơn vị duy nhất làm ăn có hiệu quả cũng nên tận dụng cơ hội này nhân rộng mô hình, học hỏi, đổi mới và phát triển là mừng.

Chúng ta cứ nhìn lại từ Vinashin xem đã làm được gì ngoài việc làm mất vốn nhà nước và vào tù? Với Sông Cấm thì có thể cho là làm ăn được nhưng với điều kiện công nghệ như hiện nay chúng ta có thể sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với thế giới.

Sắp tới đây Hàn Quốc cũng sẽ đầu tư vào đóng tàu ở Việt Nam rất lớn. Khi đó chúng ta sẽ cạnh tranh thế nào?

Ta phải nhìn với tầm nhìn hội nhập và cạnh tranh quốc tế, vươn lên để cạnh tranh chứ không thể co cụm được nữa.

Giống như ngành ô tô cũng vậy cứ nói phải đóng cửa lại để phát triển trong nước nhưng xu thế chung là mở cửa và khi đã hội nhập thì sản phẩm công nghệ thấp đương nhiên không bán được.

PV: -Câu hỏi cuối, thưa ông, nhìn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện đang thực hiện, có thể thấy rằng, trọng tâm là cổ phần hóa. Trong cổ phần hóa, phần nợ xấu, phần tài sản không thể bán thì được những công ty mua nợ xấu và ngân hàng gánh đỡ. Phần tài sản có giá trị bán cho nhà đầu tư ngoại. Đây có phải điều bất bình thường hay không? Và nếu cứ theo kịch bản này, ông kỳ vọng như thế nào về kết quả của công cuộc tái cơ cấu này?

TS Lê Đăng Doanh: - Trách người gây ra cơ sự này, giờ còn bao nhiêu tàu không bán được nhưng trách nhiệm lại không truy rõ.

Cho nên đây là một cơ hội chấp nhận sự cạnh tranh. Như Irsael họ có khẩu hiệu: "hãy chào đón sự thất bại, trên cơ sở đó như một người vấp ngã lại đứng dậy phủi quần áo và đi tiếp". Bây giờ Irsael đã tiến rất xa.

Trong câu chuyện của Việt Nam không thay đổi sẽ không thể tiến lên được. Đúng là cái bán được sẽ phải là cái có giá trị chứ không ai chịu bỏ tiền ra mua đồ đồng nát. Và chúng ta cũng không thể chờ một phép màu ngồi đó để có người đưa tiền cho mình tiêu.

Tôi muốn nói rằng bao nhiêu năm qua hệ quả để lại quá nặng nề của ngành đóng tàu cho nên giờ là lúc phải chấp nhận và đứng lên thôi.

Còn về công cuộc tái cơ cấu, Quốc hội vừa qua cũng đã có kết luận 6 cái phải và 8 cái chưa. Tôi nghĩ phải làm được thì mới mong thay đổi thực sự.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Phương Nguyên

Báo Đất Việt

Batdongsan24h.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC