Bất động sản 24h

Hệ thống Hộ khẩu ở Việt Nam: Bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế

17/06/2016

Hệ thống hộ khẩu ra đời từ 50 năm trước như là một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và quản lý di cư. Tuy vậy, trước làn sóng di cư, đô thị hóa và hội nhập kinh tế, hệ thống hộ khẩu của Việt Nam bắt đầu bộc lộ nhiều nhược điểm như hạn chế quyền lợi của người di cư, tạo cơ sở cho tiêu cực tham nhũng và không tạo ra lực đẩy kinh tế.

Ít nhất 5,6 triệu người dân (ở 5 tỉnh thành: TpHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đăk Nông) hiện không có hộ khẩu thường trú ở nơi họ cư trú (chỉ đăng ký tạm trú), bao gồm 36% dân cư của Tp. Hồ Chí minh và 18% dân cư ở Hà Nội, theo nghiên cứu “Hệ thống đăng ký Hộ khẩu ở Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới mới đây.

Bất công từ…hộ khẩu

70% người dân ở các khu vực khảo sát tin rằng hệ thống hộ khẩu đã hạn chế quyền của những người dân không có hộ khẩu và cần giảm bớt hạn chế này. Ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: “Trên thực tế, những lao động nhập cư khó có cơ hội làm việc cho khu vực công, gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ, đặc biệt về giáo dục, bảo hiểm y tế cho trẻ em, tiếp cận tín dụng và kể cả trong các thủ tục dân sự như đăng kí xe máy”.

Một người dân tạm trú ở phường Nại Hiền Đông, Đà Nẵng cho biết: “Tôi vẫn có thể mua BHYT nhưng vì hộ khẩu thường trú của tôi ở Huế nên tôi phải về Huế để khám sức khỏe, còn nếu dùng dịch vụ y tế ở đây, tôi phải trả tới 70% tổng chi phí”.

Những người tạm trú nào muốn ở lại nơi cư trú đều muốn chuyển sang hộ khẩu thường trú. 53% người tạm trú muốn ở lại nơi cư trú lâu dài và hầu như tất cả số này đều muốn chuyển hộ khẩu thành thường trú. Khi liên quan tới những thủ tục này, khá nhiều người dân than phiền về các khoản chi phí không chính thức liên quan tới hộ khẩu.

Hầu hết các hệ thống đăng kí hộ gia đình trên thế giới không quy định hạn chế trong việc thay đổi cư trú. Chỉ có rất ít nước duy trì hệ thống đăng ký hộ gia đình trong đó có gắn với việc cung cấp các dịch vụ xã hội và hạn chế thay đổi nơi cư trú là Việt Nam, Trung Quốc và các nước thuộc Liên Xô cũ.

 

Trước làn sóng di cư, đô thị hóa và hội nhập kinh tế, hệ thống hộ khẩu của Việt Nam bắt đầu bộc lộ nhiều nhược điểm 

Động lực kinh tế từ lao động nhập cư

Trả lời phóng viên Thời báo Kinh Doanh, ông Gabriel Demombynes, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp ở nhóm toàn cầu về Nghèo và Công bằng xã hội – WB, cho biết một số nhà làm chính sách, lãnh đạo của các địa phương mới chỉ nhận ra những nguy cơ chính trị- xã hội của nhóm người lao động nhập cư mà chưa nhận ra tiềm năng, động lực kinh tế, sự đóng góp của nhóm này trong các khu vực kinh tế tư nhân để từ đó có những điều chỉnh chính sách nhập cư, hộ khẩu cho phù hợp.

Theo nghiên cứu, xét về lợi ích kinh tế và từ góc độ của thị trường lao động, những người đăng kí tạm trú không gặp phải các bất lợi nghiêm trọng về tiền lương, thu nhập. Họ làm việc chủ yếu ở khu vực tư nhân, phần lớn trong lĩnh vực chế tạo và chiếm tới _ tổng số nhân viên của các công ty nước ngoài.

Người tạm trú có xu hướng đi làm nhiều hơn người thường trú: 68% người thường trú và 81% người tạm trú hiện đang có việc làm. Người tạm trú có xu hướng làm việc nhiều hơn hẳn trong lĩnh vực chế biến, tỷ lệ làm việc cao hơn hẳn trong khối tư nhân và chiếm tỷ trọng cao trong các công ty có vốn FDI.

Theo ông Gabriel, người nhập cư sẽ tạo ra ba loại tác động tới tài chính của thành phố, bao gồm: chi tiêu của chính quyền (chi tiêu giáo dục và y tế); nguồn thu của chính quyền thông qua thuế và phí; các khoản chuyển nguồn liên chính quyền, từ Trung ương xuống địa phương.

Tuy nhiên, xem xét nghiên cứu các tác động về doanh thu và những khoản chuyển nguồn, tác động ngân sách ròng dường như là tích cực hoặc chỉ có tác động tiêu cực ở mức thấp.

Theo nghiên cứu, tác động từ việc tăng một người nhập cư/năm đến ngân sách của một địa phương trung bình như sau: Thu: tăng thêm 1,8 triệu đồng/người; Chuyển nguồn: tăng từ 600 nghìn tới 1 triệu đồng/người. Chi: tăng từ 2 tới 3 triệu đồng/người. Từ đó tính ra tác động ròng là khoảng –700 nghìn tới +900 nghìn đồng (thu+ chuyển nguồn-chi)

Chuyên gia kinh tế khẳng định dù vẫn còn cần thêm rất nhiều số liệu và bằng chứng để làm rõ hơn nữa những tác động tích cực/ tiêu cực của nhóm lao động nhập cư tới mọi lĩnh vực nhưng bước đầu có thể thấy những người nhập cư có tạo ra nguồn thu mới, họ sẽ là đối tượng đóng thêm thuế và phí, bổ sung ngân sách cho địa phương tiếp nhận cũng như tạo ra nguồn thu từ việc chuyển nguồn.

Từ đó, ông Gabriel cho rằng hệ thống hộ khẩu của Việt Nam bây giờ nên thay đổi theo hướng giảm các rào cản để có hộ khẩu thường trú (giảm thời gian yêu cầu cư trú tối thiểu, hạn chế các quy định mà chính quyền thành phố có thể đặt ra cho người đăng ký hộ khẩu); loại bỏ các khác biêt trong tiếp cận dịch vụ giữa người thường và người tạm trú (bãi bỏ các quy định cần có hộ khẩu thường trú cho việc làm ở khu vực công) để tạo lực đẩy tốt hơn cho động lực kinh tế đến từ những lao động nhập cư.

Theo nguồn Thơibaokinh doanh

Batdongsan24h.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC