Bất động sản 24h

Nghịch lí “ Làm ít tiêu nhiều”!

29/12/2015

Năm 2015 sắp khép lại, thu nhập bình quân của người Việt được đánh giá là đã tăng nhưng không đáng kể do chưa có nhiều thay đổi so với năm 2015, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Song nếu nói về độ chi mua sắm “xế hộp”, người Việt lại chắc chắn nằm trong tốp đầu khu vực khi thị trường ô tô năm nay tăng trưởng với những con số kỷ lục.

Mẫu xe siêu sang Bentley Mulsanne Speed 2016 đầu tiên vừa cập bến Việt Nam theo hình thức nhập khẩu chính hãng đã xuất hiện tại Hà Nội và chuẩn bị cho màn gặp mặt chủ nhân vào những ngày cuối cùng của năm 2015.

Mulsanne Speed thế hệ mới chính thức ra mắt toàn cầu tại triển lãm ô tô quốc tế Paris (Pháp) hồi cuối năm 2014 và trở thành chiếc xe siêu sang nhanh nhất thế giới khi có khả năng vận hành ở tốc độ 305 km/h. Một chiếc xe McLaren 650S Spider, siêu xe nổi tiếng thế giới trong suốt năm 2015 cũng đang lăn bánh tại Việt Nam.

Tổng số tiền nhập khẩu linh kiện và ô tô nguyên chiếc của cả năm nay lên đến 6 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2014.

Nhập khẩu kỷ lục

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 12, ước cả nước nhập khẩu đến 14.000 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng giá trị khoảng 382 triệu đô la Mỹ, nâng tổng lượng xe nhập khẩu cả năm nay lên khoảng 125.000 xe với tổng số tiền nhập khẩu lên đến 2,969 tỷ USD.

So với năm ngoái, năm 2015 này tăng 76,6% về lượng xe nhập khẩu và tăng 87,7% về giá trị. Và nếu so với kết quả năm 2013 thì số tiền nhập khẩu mặt hàng này tăng đột biến. Cả năm 2013, Việt Nam chỉ chi 709 triệu USD tiền nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Với thị trường Trung Quốc, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu dòng xe tải, trong khi các loại xe du lịch cá nhân được nhập từ các thị trường còn lại; riêng các dòng xe bán tải (xe pick-up) đang có mặt trên thị trường trong nước thì được nhập khẩu từ Thái Lan.

Năm 2015 được đánh giá là khoảng thời gian kinh doanh tốt nhất của các hãng ô tô nên các liên doanh lắp ráp ô tô trong nước cũng có mức tăng trưởng khá cao và được xem là cao nhất kể từ khi họ có mặt ở Việt Nam. Do việc nội địa hóa sản phẩm hiện nay còn thấp nên các hãng ô tô cũng phải nhập một lượng lớn linh phụ kiện ô tô về lắp ráp.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá trị nhập khẩu linh phụ kiện ô tô trong năm 2015 này cũng nhích hơn chút ít so với số tiền nhập khẩu xe nguyên chiếc, đạt khoảng 3 tỷ USD. Như vậy, tổng số tiền nhập khẩu linh kiện và ô tô nguyên chiếc của cả năm nay lên đến 6 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2014.

Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô trong nước (VAMA) cho thấy thị trường ô tô trong nước tiếp tục tăng tốc nhanh khi có lượng xe bán ra hơn 215.500 xe trong vòng 11 tháng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới kinh doanh dự báo lượng xe tiêu thụ có thể cán mốc 240.000 xe khi kết thúc năm nay – một con số kỷ lục từ trước đến nay của thị trường ô tô trong nước.

Các chuyên gia cho rằng, hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc nói riêng và sự bùng nổ của thị trường ô tô Việt Nam nói chung năm 2015 do các yếu tố kinh tế – xã hội thuận lợi, chính sách khá ổn định.

Thu nhập thấp

“Thành tích” nhập khẩu ô tô của Việt Nam với những con số kỷ lục trên sẽ chẳng có gì đáng phải bàn. Tuy nhiên, khi đặt trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của Việt đang ở mức khiêm tốn thì lại là điều đáng bàn.

Cũng trong báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 2015 vừa được công bố, Tổng cục Thống kê cho biết, GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014, song Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và chỉ ngang bằng mức bình quân GDP đầu người của Malaysia năm 1988, của Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2015 tăng thêm 57 USD nhưng phải đến năm 2035 thì mới có thể đạt 10.000 USD, tức là chỉ tương đương GDP/người của Malaysia hiện nay.

Khoảng cách GDP/người của Việt Nam ngày càng xa so với thế giới. Nếu như năm 1990, khoảng cách GDP/người của Việt Nam so với thế giới là 4.000 USD thì đến nay, khoảng cách này đã tăng lên gấp đôi, với 8.000 USD. GDP/người của Việt Nam tăng lên mức trên 2.109 USD, nhưng GDP/người của thế giới tăng lên mức trên 10.000 USD.

Một trong những nguyên nhân khiến cho GDP/người của Việt Nam thua xa các nước trong khu vực và ngày càng có khoảng cách so với thế giới, đó là do năng suất lao động thấp.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp, cho biết năng suất lao động Việt Nam có tăng dần theo các năm. Năm 2015 năng suất tăng 6,4%. Tính bình quân 17 năm thì năng suất lao động sản xuất khoảng 24 triệu đồng/người/năm (năng suất lao động = GDP/tổng số người làm việc bình quân).

So giữa Việt Nam với các nước thì chênh lệch có giảm, như năm 1994, năng suất lao động của Singapore cao gấp 29 lần Việt Nam thì năm 2013 chỉ còn gấp 18 lần. Tương tự, Thái Lan từ gấp 4,6 lần chỉ còn cao hơn 2,7 lần…

Tuy nhiên, về giá trị tuyệt đối, chênh lệch năng suất lao động của Việt Nam với các nước tiếp tục tăng. Nếu năm 1994, chênh lệch giữa năng suất lao động của Singapore với Việt Nam chỉ 62.052 USD thì năm 2013, tăng lên thành 92.632 USD. Tương tự, với Thái Lan từ 7.922 USD tăng lên 9.314 USD, với Malaysia từ 21.142 USD tăng lên 30.311 USD.

Kim ngạch nhập khẩu xe nguyên chiếc gần 3 tỷ USD, và khoảng 125.000 chiếc xe, nếu chia bình quận, giá của mỗi chiếc xe mà người Việt bỏ ra là khoảng 500 triệu đồng/chiếc. Nếu đặt phép tính, thu nhập cả năm của người Việt hiện là khoảng 45,7 triệu đồng/năm, phải mất trung bình 11 năm thu nhập (không chi tiêu, ăn uống) người Việt mới có thể sở hữu được một chiếc xe.

Như vậy, trong bối cảnh thu nhập của người Việt chưa có nhiều thay đổi, câu hỏi đặt ra là người Việt lấy đâu ra tiền để mua sắm nhiều ô tô như vậy. Các chuyên gia cho rằng, ngoài lý do vì kinh tế tốt lên, nhiều người đã tích lũy đủ mức sắm xe hơi, còn là do nhu cầu mua xe chạy dịch vụ Uber, GrabTaxi, đồng thời có một nguyên nhân “kích cầu” người Việt mua xe là chính sách cho vay mua xe của các ngân hàng thông thoáng, dễ chịu hơn, với lãi suất linh hoạt và hấp dẫn…

Lê Thúy

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương (CIEM)

Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước nghèo, thu nhập trung bình, tỷ lệ người nghèo đói còn cao, thế nhưng, vẫn có một số người giàu có ăn chơi hạng sang, thượng hạng, điều này đã thể hiện mặt trái của xã hội là phân tầng xã hội ngày càng sâu. Hoặc thậm chí, tính cách của người Việt dù nghèo đói nhưng vẫn thích phô trương, thích khoe khoang, chính vì vậy, muốn ăn chơi hàng xịn, hàng hiệu, trong khi tiền không có.

Ông Nguyễn Trần Bạt - Chuyên gia kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu khi năng suất lao động chưa cải thiện. So với các nước trong khu vực, nếu tăng trưởng 5% thì đến năm 2035 GDP của Việt Nam vẫn thua xa Thái Lan. Nếu tăng trên 7% may ra mới đuổi kịp được. Bên cạnh đó, năng suất lao động lại chỉ tăng chủ yếu nhờ chuyển dịch lao động. Vốn đầu tư chỉ đổ vào các ngành năng suất thấp như tài chính – ngân hàng, bất động sản, cũng là điều bất hợp lí, khiến thị trường sai lệch.

PGs. Ts. Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại

Việc tiêu xài ở Việt Nam đã thành chuyện nổi tiếng trên thế giới. Tôi có nhiều người bạn quốc tế có trình độ cao, có thu nhập lớn, trong đó có những người là tỷ phú, họ cực kỳ ngạc nhiên trước sự tiêu xài của không ít người Việt. Những năm 70 của thế kỷ trước, tôi có làm việc với một giáo sư người Pháp khi ông này sang Việt Nam công tác, thấy người lái xe hút thuốc 555, ông ấy hỏi: “Lương anh tương đương với bao nhiêu gói thuốc. Người lái xe nói lương một ngày mua được 3-4 điếu thuốc. Ông giáo sư ấy thốt lên: “Người Việt tiêu xài còn hơn cả Mỹ”. 

 

Batdongsan24h.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC