02/08/2016
Nhiều doanh nghiệp thương mại – sản xuất như cao su, tôn thép, phân bón… đã và đang chuẩn bị nhảy vào thị trường bất động sản. Và mới đây nhất là các “đại gia” ngành thủy sản, kinh doanh gặp khó khăn, cũng đang đổ xô vào đầu tư, hợp tác đầu tư các dự án bất động sản với những kế hoạch lớn. Tuy nhiên, chưa hẳn có quỹ đất vàng đã là người thành công trong lĩnh vực thị trường BĐS.
Đại gia ngoài ngành làm BĐS
Mới đây, tại Đại hội cổ đông năm 2016, công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (SSN) đã thông tin tới cổ đông kế hoạch thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung vào bất động sản để khai thác quỹ đất đang quản lý.
Nguyên nhân mà doanh nghiệp này đưa ra, đó là do hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản – mảng kinh doanh chính của công ty – đang gặp khó. Lợi nhuận sau thuế của SSN liên tục trồi sụt qua các năm. Đến hết năm 2015, lỗ lũy kế của SSN là hơn 22 tỷ đồng.
Vì vậy, công ty đã thực hiện các dự án đầu tư, tìm kiếm đối tác tại các khu đất 678 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, Tp.HCM (dự án Central Park); cho thuê khu đất 665 – 667 Lò Gốm, Quận 6 và 1534 Võ Văn Kiệt, quận 6; hợp tác kinh doanh tại khu đất số 67 Phú Viên, Gia Lâm, Hà Nội.
Chưa hồi phục, cạnh tranh đã gay gắt
Cùng với những đại gia khác như Sao Mai An Giang (ASM), đại gia Nguyễn Đức Thụy cùng Tập đoàn ThaiGroup, đại gia Lê Phước Vũ cùng Tập đoàn Hoa Sen, vừa khởi công xây dựng dự án khách sạn 4 sao tại thành phố Yên Bái với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), cũng đang tính chuyện nhảy sang BĐS nhờ quỹ “đất sạch” lớn.
Seaprodex có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng, bề dày hoạt động lên đến 36 năm (1978) trong ngành thủy sản, cơ khí đóng tàu thủy sản… với nhiều công ty con cùng lĩnh vực.
Coi chừng “hố chôn tiền”
Theo tìm hiểu, Seaprodex đang quản lý và sử dụng hơn 878.000 m2 đất tại 5 tỉnh thành trên cả nước. Tổng công ty đã lên kế hoạch đầu tư vào 6 dự án bất động sản là trung tâm thương mại và khách sạn.
Seaprodex đã tham gia mảng cao ốc thương mại, văn phòng và khách sạn tại đường Đồng Khởi, quận 1, Tp.HCM cùng công CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục và còn nhiều bất đồng giữa hai bên.
Giới doanh nhân đang có xu hướng nhắm vào thị trường BĐS, nhưng các chuyên gia lại đang lo ngại về “bong bóng” thị trường BĐS. Bởi, một khi nhiều doanh nghiệp đổ xô đầu tư vào BĐS, cơn nóng thị trường sẽ bắt đầu.
Lúc này, nguồn cung sẽ tăng nhanh và kéo theo đó là cạnh tranh sẽ khốc liệt, doanh nghiệp lại dễ dàng thất bại. Theo nhiều chuyên gia, BĐS là một cuộc chơi không phải ai cũng chơi được, đừng nghĩ đó là miếng mồi ngon mà dễ hại chính mình.
Theo nguồn Thoibaokinhdoanh
Giai đoạn 2010 - 2011 đã minh chứng cho điều này. Lúc đó cũng nở rộ cơn sốt BĐS và nhiều doanh nghiệp cũng đã phải nếm thất bại. Như trường hợp Mai Linh, đang đứng đầu cả nước trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, khi đầu tư vào BĐS đã rơi vào cảnh nợ nần, mất thanh khoản.
Sau khi cắt giảm, thu hẹp nguồn nhân lực và các văn phòng đại diện, số tiền có được cũng không đủ để trả nợ. Doanh nghiệp này đã phải bán hơn 1.000 đầu xe để thu hồi 200 – 300 tỷ đồng trả nợ cho các nhà đầu tư mà vẫn không thể thanh toán được những khoản nợ vài trăm triệu đồng của người góp vốn, đến nỗi phải tìm cách gia hạn, mời gọi những người cho vay nhiều trở thành cổ đông trong công ty. Thất bại với BĐS, Mai Linh mất luôn cả chì lẫn chài khi ngậm ngùi nhường ngôi vương trong kinh doanh taxi vận tải cho Vinasun.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp BĐS nhìn nhận, đây là một thị trường nặng tính may rủi mà sự thành công chưa chắc đến từ năng lực tài chính. Quan trọng là cách làm thương hiệu và đối mặt khủng hoảng.
Thị trường BĐS Tp.HCM đã từng chứng kiến sự đổ bộ “hào nhoáng” của đại gia Thảo Loan với dự án Thảo Loan Plaza đình đám. Dự án đình đốn nhiều năm với khoản nợ vay hàng trăm tỷ đồng. Nữ đại gia sau đó “biến mất” khỏi thị trường địa ốc.
Được đánh giá là một nhân vật lừng lẫy, ông bầu Đoàn Nguyên Đức cũng “e ngại” sân chơi này. Thời điểm năm 2013, khi tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bán tháo các dự án và rút lui hoàn toàn khỏi lĩnh vực này, bầu Đức cho rằng thị trường không có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, ông đã lầm. Từ thời điểm đó, BĐS mới bắt đầu vào giai đoạn hưng thịnh. Một loạt các doanh nghiệp gặp khó như Novaland, Hưng Thịnh, An Gia… chỉ cần gỡ nút thắt tiêu thụ được một dự án, lập tức vươn mình thành một tập đoàn BĐS lớn mạnh như hiện tại.
Có thể thấy, thị trường BĐS là miếng mồi ngon nhưng chưa hẳn đã là “ngọt” đối với những doanh nghiệp ngoài ngành. Chính vì thế, nhiều chuyên gia BĐS đang hy vọng rằng những “ông lớn” ngoài ngành đầu tư vào bất động sản sẽ có những cái nhìn, hướng đầu tư, chiến lược khác để không rơi vào “vết xe đổ” như vài “ông lớn” đã từng dính trước đây.
Batdongsan24h.com.vn
KHU VỰC HÀ NỘI
KHU VỰC TP.HCM