25/11/2014
Ngày 20/11/2014 vừa qua, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ký quyết định ban hành Thông tư 36/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/02/2015. Liên quan đến hạng mục bất động sản, thông tư mới điều chỉnh hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán tại các Ngân hàng thương mại.
Theo đó, hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để đầu tư, kinh doanh chứng khoán; các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản được điều chỉnh từ 250% theo quy định tại Thông tư 13 xuống còn 150% (là mức thấp nhất theo thông lệ).
Vậy, câu hỏi đặt ra bây giờ là thông tư 36 tác động ra sao đến Bất động sản?
Gần 4 năm "khổ" của Bất động sản
Còn nhớ hồi tháng 2 năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về “những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội” trong đó có chỉ định “giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực kinh doanh phi sản xuất, nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán”.
Ngay sau đó, NHNN đã ra thông tư 13/TT-NHNN, trong đó NHNN đã xếp các khoản vay của các công ty chứng khoán và các khoản vay của các công ty kinh doanh bất động sản vào nhóm có hệ số rủi ro 250%. Đồng thời NHNN cũng siết chặt các điều khoản vay cho kinh doanh bất động sản, NHNN đã xây dựng kịch bản để giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất này xuống 16% vào cuối năm. Một trong những cách để ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản là tăng lãi suất cho vay. Thời điểm đó, có lúc lãi suất cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất lên đến 18 - 22%/năm. Mức lãi vay này đã làm rất nhiều khách hàng cần vay vốn đầu tư bất động sản từ bỏ ý định. Đây là thời điểm nhiều doanh nghiệp bất động sản lao đao, xuống dốc.
Và cho đến nay, khi việc tái cơ cấu ngành ngân hàng đã đạt được một số kết quả nhất định thì thị trường bất động sản cũng dễ thở hơn với hàng loạt động thái nới lỏng, hỗ trợ.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn chưa thể lấy lại những gì đã mất trong "thời gian khó".
Thêm một lần "nới"-bất động sản sẽ hồi phục?
Một năm trở lại đây, bất động sản dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình mở bán, đầu tư mới đã tăng đáng kể. Tồn kho đã giảm mạnh và điều đáng nói hơn cả là ngành này đã "chạm tay" đến những người mua ở thực. Từ "đáy" được nhắc đến nhiều khi mà giá bán nhúc nhích tăng, thậm chí, có dự án còn chứng kiến cảnh tranh mua.
Thông tư 36 được Ngân hàng Nhà nước ký vào 20/11 đã thổi thêm một luồng sinh khí mới cho bất động sản trong bối cảnh hàng loạt thông tin hỗ trợ khác như hỗ trợ lãi suất, khuyến mại khi mua nhà...đang dần trở nên nhàm chán.
Với quy định mới trong thông tư 36, nhiều ý kiến nhận định cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang phát đi thông điệp muốn mở rộng tăng trưởng tín dụng nhất là đối với Bất Động Sản.
Bất động sản là hàng hoá có tính chất lâu bền, không như thị trường chứng khoán. Thông tư vừa được đưa ra sẽ tác động không nhỏ đến thị trường. Tuy nhiên, tác động như thế nào, ra sao thì cần thêm thời gian để minh chứng.
Batdongsan24h.com.vn
KHU VỰC HÀ NỘI
KHU VỰC TP.HCM